Dư âm trận Oman – Việt Nam vẫn kéo dài với nhiều người khi các tình huống VAR làm cả triệu fan Việt nhảy dựng lên trước quyết định của trọng tài.
VAR không sai khi kiểm tra nhiều hơn 1 tình huống nếu như tình huống đó nằm trong một pha bóng tấn công dẫn tới bàn thắng.
Rất phổ biến khi VAR được áp dụng cho bóng đá đỉnh cao kể từ 2018, đó là vừa kiểm tra xem có lỗi 12 và có lỗi việt vị hay không của đội bóng tấn công. Chẳng hạn, cầu thủ của đội bóng tấn công phạm lỗi, rồi sau đó anh ta chuyền cho đồng đội ghi bàn, hoặc tự anh ta ghi bàn khi đã việt vị. Hoặc nếu như bóng đi ra ngoài biên, rồi sau đó đội tấn công ghi bàn, thì VAR cũng sẽ kiểm tra và xem lại cả hai.
Nhưng VAR vừa sai vừa có vẻ lý ngay tình gian trong quá trình mất gần 4 phút để đánh giá về bàn thắng của Việt Nam. Thông thường, người ta sẽ xem lại lỗi nào xảy ra trước. Ở đây là việt vị trước, rồi tới xem Tấn Tài có phạm lỗi hay không.
Cách xem ngược theo trình tự thời gian của pha bóng không phải không có. Quy trình kiểm tra VAR cũng không cấm, nhưng nó tạo cảm giác rằng tổ trọng tài VAR (những người ngồi trong phòng kỹ thuật, xem băng hình) không muốn có bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam.
Còn sai ở chỗ là tổ trọng tài VAR mất quá nhiều thời gian để “bắt” trọng tài chính phải xem lại một pha bóng đã rõ ràng trên 2 góc độ.
Góc độ đầu tiên là Công Phượng hoàn toàn không đứng dưới hàng phòng ngự, hoàn toàn không chơi bóng.
Góc độ thứ hai là bóng từ một hậu vệ Oman phá về rồi chủ động phá lên đều chỉ qua chân cầu thủ Oman trước khi đến vị trí kiểm soát của Tấn Tài.
Luật quy định như vậy là đã hết “tiến trình pha bóng tấn công”, và tình huống của Công Phượng và Tấn Tài là hoàn toàn tách biệt. Người ta sẽ chỉ sử dụng một cú đúp của VAR khi 2 pha bóng đó thuộc một tiến trình mà thôi và nếu nó dẫn tới bàn thắng.
Trọng tài chính đã công nhận một bàn thắng hoàn toàn hợp lệ của Việt Nam. Vì ngay cả khi kiểm tra lỗi của Tấn Tài thì bóng trong tầm kiểm soát của Tài và hậu vệ trẻ này cũng là người chạm bóng trước.
Nhưng VAR cũng chỉ sai một lần. Còn toàn bộ trận đấu, VAR đã đúng. Đầu tiên là VAR không can thiệp vào pha bóng mà Duy Mạnh tranh chấp với tiền đạo của Oman ngay trong những phút đầu tiên, tiền đạo Oman ngã xuống khi có cơ hội đối mặt với thủ môn Văn Toản.
Tinh thần của Luật điều chỉnh 2021 yêu cầu các trọng tài tôn trọng nguyên tắc “minimal contact” (va chạm không đáng kể) khi đánh giá về các lỗi penalty và lỗi dẫn tới quả phạt trực tiếp. Tinh thần rằng bóng đá là môn thể thao có một phần của tính đối kháng, có va chạm. Đến pha bóng của Quang Hải ngã trong vòng cấm, dù mức độ tiếp xúc cơ thể mạnh hơn, không hẳn là tiếp xúc tối thiểu nữa, nhưng có thể trọng tài đánh giá rằng va chạm đó xảy ra mà hậu vệ Oman cũng không mở rộng hết tay, không níu áo, không vươn cái chân ra để ngáng.
Đồ hoạ của truyền hình cho thấy pha bóng đó tổ trọng tài VAR có kiểm tra, nhưng chưa phải là một pha bóng cần trọng tài chính xem lại. Quy định về VAR phân biệt giữa kiểm tra và xem lại. Tổ trọng tài VAR có thể âm thầm kiểm tra hàng loạt các pha bóng, nhưng không nhất thiết đề nghị dừng trận đấu để trao đổi với trọng tài chính hoặc đề nghị trọng tài chính xem lại.
Nếu nó không phải là lỗi rõ ràng và hiển nhiên hoặc trọng tài chính xác nhận rằng mình đã ở góc quan sát tốt và đã nhận thức được pha bóng thì trận đấu vẫn tiếp tục.
Còn nếu đã check VAR, thì Luật không giới hạn chỉ được xem bao lâu, mà cái chính là VAR phải chuẩn. Tất nhiên, trận Oman và Việt Nam thì tổ VAR không phải lúc nào cũng chuẩn!